Sau 5 năm thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên cả nước, được xem là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Một gian trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi.

Một gian trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi.

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm OCOP. Số lượng sản phẩm hằng tháng đều tăng, cơ cấu sản phẩm có sự thay đổi, trong đó có hơn 70% được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao, còn lại là sản phẩm 5 sao.

Ngành hàng cũng hết sức đa dạng, và đặc biệt chương trình có sự tham gia chặt chẽ của các hợp tác xã. Không chỉ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế vùng nông thôn, chương trình OCOP còn có những đóng góp không nhỏ về mặt xã hội khi quy mô lao động ngày càng tăng lên, trong đó có 40% chủ thể là nữ và 18% chủ thể là người dân tộc điều hành,… Đến nay, chương trình OCOP cũng đã tạo nên những thay đổi về mặt thương mại mạnh mẽ.

Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự bảo đảm tính bền vững. Nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Tại một số địa phương, sự chủ động vào cuộc của chính quyền còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm; nhiều sản phẩm chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì, chưa chú trọng yếu tố chất lượng, nhất là gắn với thị hiếu tiêu dùng. Chưa kể, dòng vốn tín dụng vốn được coi là đòn bẩy giúp các sản phẩm OCOP vươn xa nhưng trong quá trình triển khai, các ngân hàng lại gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử, giấy chứng nhận OCOP chỉ cấp chung cho hợp tác xã và các thành viên, không cấp riêng cho từng thành viên, dẫn tới khó khăn trong việc vay vốn đối với từng thành viên hợp tác xã. Các đơn vị cũng khó tiếp cận thị trường, thực hiện chế độ thống kê, kế toán mua bán hàng hóa thiếu hóa đơn tài chính, không bảo đảm chế độ phát hành hóa đơn của Nhà nước,.. Do đó, các ngân hàng cũng không đủ cơ sở để đánh giá, thẩm định cho vay.

Để chương trình OCOP đạt hiệu quả và phát triển bền vững, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là cần thiết, trong đó hành lang pháp lý phải đi trước một bước. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Về phần mình, các chủ thể OCOP phải luôn có sự cải tiến sản phẩm, phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về sản phẩm OCOP cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan, tổ chức về tầm quan trọng của chương trình OCOP, góp phần đẩy mạnh kinh tế nông thôn bền vững và bảo vệ môi trường.

Nguồn tin: Nhandan.vn (Đặng Công Hòa sưu tầm)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *